
Khám phá nghề ngư dân
1. Vì sao cần có nghề ngư dân?
Ngư dân là tên gọi chung để chỉ những người làm nghề đánh bắt, nuôi trồng, thu hoạch các sinh vật ở dưới nước chẳng hạn như cá, tôm, cua, ốc, sò, rong biển,…
Ngư dân là nghề truyền thống có từ lâu đời, giúp cung cấp thủy sản, hải sản phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, cụ thể là:
– Thịt cá, tôm, mực, ốc, sò, rong biển dùng làm thực phẩm hằng ngày
– Vỏ ốc, ngọc trai, san hô dùng làm đồ mỹ nghệ
– Làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi: cá, ruốc, ốc bươu,
– Làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp sản xuất: đồ hộp, nước mắm, muối, chế biến đồ đông lạnh, chế biến thủy sản,
– Làm thuốc chữa bệnh: rong biển, tảo biển, san hô,
Ngư dân là công việc đang mang lại nguồn sinh sống cho hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
2. Nghề ngư dân làm công việc gì ? Làm ở đâu ?
Ngư dân rất đa dạng về loại hình công việc cũng như môi trường làm việc.
– Tại các ao, hồ, sông, suối: nghề giăng câu, nghề nuôi cá, nghề đăng, nghề thả lưới, nghề kích điện, nghề quăng chài, nghề vớt cá, nghề cất vó, đặt lờ, đặt trúm, dỡ chà…
– Tại các vùng biển: giã cào, lưới đăng, lưới vây, lưới mành, thả lú, lồng bẫy, lặn biển, nuôi lồng bè, câu khơi, mành đèn, pha xúc,…
Về cơ bản có thể chia ngư dân làm 2 nhóm: đánh bắt và nuôi trồng.
Các công việc người ngư dân nuôi trồng thường lặp lại các bước như sau:
– Chuẩn bị, cải tạo ao nuôi, hồ nuôi hoặc lồng bè nuôi:
– Chọn giống nuôi, bắt giống hoặc mua giống về thả
– Cho ăn hoặc để vật nuôi tự ăn (đối với hàu, sò ăn bằng lọc nước thì không cần cho ăn)
– Theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi và điều trị các bệnh cho đàn vật nuôi
– Thu hoạch và bán thủy hải sản
Các công việc của người ngư dân đánh bắt thường là:
– Chuẩn bị phương tiện di chuyển, dụng cụ đánh bắt: tàu, thuyền, ghe, xuồng, lưới, dây câu, chài, súng bắn cá, đồ lặn, nước uống, đồ ăn dự trữ
– Di chuyển đến địa điểm đánh bắt
– Thực hiện đánh bắt
– Thu hoạch sản vật đánh bắt
– Tiêu thụ các sản vật đánh bắt được: bán, để ăn, sơ chế làm đồ khô, chế biến thành thức ăn chăn nuôi, làm thuốc,…
3. Các yêu cầu nghề nghiệp khi làm nghề ngư dân ?
Ngư dân gồm rất nhiều công việc khác nhau phù hợp với mỗi đối tượng, vì dụ như:
– Các nghề đánh bắt trên biển như lặn biển, thả lưới vây, lưới rút: phù hợp với thanh niên khỏe mạnh
– Nghề nuôi cá, nuôi ốc, nuôi lươn: phù hợp với phụ nữ, đàn ông trong độ tuổi từ thanh niên đến cao tuổi
– Nghề câu cá: thích hợp với các em nhỏ, người già
Ngư dân là nghề rất phổ thông, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay trình độ chuyên môn. Chỉ cần có sức khỏe là có thể làm được.
Đối với một số công việc khó như lặn biển, đánh bắt xa bờ thì yêu cầu vừa có sức khỏe, vừa phải bơi lặn giỏi và không bị say sóng khi đi tàu thuyền.
4. Nghề ngư dân kiếm tiền ra sao ? Thu nhập bao nhiêu?
Thu nhập của nghề ngư dân không ổn định, có cao có thấp. Nguyên nhân do thu nhập của họ phụ thuộc rất nhiều vào giá cả và nhu cầu thị trường, sản lượng đánh bắt nuôi trồng nhiều hay ít, điều kiện thời tiết,…
Đối với ngư dân nuôi trồng tôm, cá, cua, ghẹ, hàu,… thì những năm được mùa, được giá thì họ có thể kiếm về hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Còn những năm thất thu hoặc mất giá thì có thể bị âm vốn, lâm vào cảnh nợ nần do tiền bán vật nuôi không đủ trang trải chi phí mua giống, mua thức ăn chăn nuôi.
Đối với ngư dân đánh bắt thì lúc bắt được nhiều lúc ít, do sinh vật biển ngoài tự nhiên phân bố không đều và trải khắp nơi. Ngoài ra họ chỉ đánh bắt được trong vòng 6 – 8 tháng mỗi năm, còn lại là thời điểm mưa gió nên không làm được. Mỗi chuyến đánh bắt, nếu sản lượng nhiều và được giá thì người ngư dân có thể thu về từ vài trăm ngàn đến hàng tỷ đồng, nhưng cũng không hiếm khi tiền bán thủy sản đánh bắt được lại không đủ bù chi phí xăng dầu, chi phí trả nhân công đánh bắt, chi phí mua đồ ăn dự trữ.
Nói chung nghề ngư dân kiếm vài trăm ngàn đến vài triệu một ngày là không khó. Ngư dân nuôi trồng thủy hải sản có tính ổn định và ít nguy hiểm hơn so với đánh bắt.
5. Những khó khăn đối với nghề ngư dân là gì?
Người ngư dân thường gặp những khó khăn là:
– Thiệt hại do thiên tai bão lũ: mỗi năm nước ta chịu ảnh hưởng trung bình 6 – 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có sức tàn phá kinh khủng, khiến cho ngư dân bị thiệt hại nặng nề do lụt lội làm cá trong ao nuôi thoát ra ngoài, lật tàu thuyền, hư hỏng lồng bè nuôi
– Nguy cơ gặp tai nạn trong quá trình lao động: ngư dân gắn liền với sông nước nên họ có nguy cơ bị đuối nước, bị cá tấn công, bị lật thuyền,…
– Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”: không chỉ ngư dân mà nhiều nghề làm nông khác đều gặp tình trạng tương tự, những năm nuôi trồng đánh bắt được sản lượng lớn thì thương lái thu mua giá cực rẻ, những năm không đánh bắt được nhiều thì giá thu mua lên cao. Nguyên nhân xuất phát từ thị trường tiêu thụ các loại thủy sản, hải sản chưa ổn định, ngoài ra thương lái cũng có xu hướng ép giá ngư dân bán rẻ để họ thu được nhiều lợi nhuận